Thẻ tín dụng vào thời buổi kinh tế phát triển này, nó được
xem như một phương tiện rất hữu ích và tiện lợi trong những lúc mua sắm, thanh
toán hàng hóa, chuyển khoản,…Nhiều ngân hàng đã mở ra dịch vụ thẻ tín với nhiều
chương trình ưu đãi 5 – 75% nhằm mục đích giải đáp nhu cầu mua sắm, thanh toán,…bằng
thẻ tín dụng. Với chi phí chương trình ưu đãi lớn nhưng ngược lại chất lượng
thì không chắc chắn từ hàng trăm nghìn thậm chí cả triệu đồng giữa NH nước
ngoài và NH trong nước. Với tình trạng này, liệu rằng khách hàng có được hưởng
lợi ích tương xứng với số tiền bỏ ra khi sắm thẻ tín dụng?
Khảo sát của PV Báo Lao Động 8 NH tiêu biểu trên thị trường trong các nhóm: NHTM nhà nước (NHTMNN), NHTM cổ phần, NH nước ngoài, có thể thấy lợi thế cạnh tranh đang thuộc về các NHTMNN.
Đối tượng khảo sát gồm các chi phí phổ biến nhất khi sử dụng thẻ như: Phí phát hành thẻ, phí thường niên, lãi suất, phí rút tiền mặt, phí giao dịch ngoại tệ và phí phạt trả chậm trong trường hợp chưa thanh toán đúng hẹn. Bài viết này chủ yếu đề cập đến lãi suất và phí chuyển đổi ngoại tệ.
Trước hết, về lãi suất, trong nhóm các NH trên, lãi suất của các NHTMNN thuộc nhóm thấp nhất, chỉ từ 1,3 - 1,6%/tháng, phí giao dịch ngoại tệ 2 - 2,1%/tổng giao dịch.
Ở nhóm NHTMCP, Sacombank có phí chuyển đổi ngoại tệ cao nhất ở mức 2,95% tổng số tiền giao dịch.
Cũng trong nhóm này, TPBank có lãi suất và phí giao dịch ngoại tệ cạnh tranh ngang ngửa với các ngân hàng lớn. Cụ thể, lãi suất của TPBank dao động từ 16 - 24,6%/năm, phí giao dịch ngoại tệ từ 2,5 - 2,7%.
Đối với nhóm các NH nước ngoài, đây là nhóm thường có các mức phí giao dịch ngoại tệ khá cao dao động từ 2,5 - 4%. Lãi suất của nhóm này cũng đứng “top”, trong đó đứng đầu là ANZ với lãi suất từ 25,8 - 31,8%/năm.
Trong nhóm này, Citibank và HSBC có mức phí giao dịch ngoại tệ cao nhất lên tới 4%/tổng giao dịch. Tuy nhiên, Citibank có lợi thế là thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày (thời gian từ lúc phát sinh giao dịch đến lúc thanh toán), trong khi các NH còn lại là 45 ngày.
Rõ ràng, nếu đặt các loại phí lên bàn cân so sánh, các NH nước ngoài chưa hẳn đã có lợi thế cạnh tranh hơn các NHTMNN và NHTMCP. Tuy nhiên, đối với NTD thông thái, ngoài các loại chi phí, họ quan tâm nhiều hơn đến các ưu đãi đi kèm. Nổi bật trong số đó chính là việc hưởng ưu đãi giảm giá từ 5 - 75% tại các đối tác liên kết với mỗi NH trên khắp thế giới.
Theo một số liệu thống kê không chính thức, trên địa hạt này, các NH nước ngoài đang chiếm “thế thượng phong” ví như ANZ có trên 700 đối tác liên kết, với HSBC là trên 450. Trong khi đó, Techcombank trên 300 đối tác liên kết còn Sacombank là trên 200.
Cụ thể, đối với Citibank, KH có thể vay tín chấp tiêu dùng qua thẻ đến 10 lần lương hoặc tối đa 600 triệu đồng. Với ANZ, KH sẽ được mua sắm tại hơn 30 triệu điểm mua sắm trên khắp thế giới, rút tiền mặt tại trên 1,2 triệu máy ATM trên toàn cầu với hạn mức đến 600 triệu đồng. Đối với HSBC, KH được điểm thưởng cho mỗi lần chi tiêu bằng thẻ để quy đổi lấy quà tặng, dặm bay, phiếu mua sắm. Điều này cho phép người dùng nhận lại một phần tiền nếu như dùng đến một mức nào đó và trả đủ tiền nợ hằng tháng.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa các NH trong nước không có những tiện ích hấp dẫn. Đơn cử như thẻ Vietcombank Vietnam Airlines Platinum American Express đang là một trong những tấm thẻ tín dụng cao cấp trên thị trường với hạn mức tín dụng lên đến 1 tỉ đồng, tập trung vào những ưu đãi và quyền lợi trong các lĩnh vực NH, hàng không, bảo hiểm, du lịch và giải trí.
Hay NH nhỏ như TPBank cũng đưa ra nhiều chương trình nổi bật như: Ứng tiền từ thẻ tín dụng, tích lũy điểm thưởng để đổi quà tặng hấp dẫn, ưu đãi giảm giá tới 80% khi sử dụng thẻ tại các đối tác ưu đãi thẻ.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp khách hàng bị từ chối thẻ của một số NH nội địa khi giao dịch quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc, khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế của các NH nước ngoài, NH đa quốc gia, dịch vụ mang tính toàn cầu sẽ tốt và chuyên nghiệp hơn. Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến lãi suất của nhóm NH này cao hơn các NH nội địa.
Chính vì vậy, mỗi KH cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng của cá nhân để “chọn mặt gửi vàng” cho phù hợp, ví dụ như: Thường xuyên đi nước ngoài hoặc chi tiêu bằng ngoại tệ, mức phí giao dịch ngoại tệ thấp là ưu điểm đáng quan tâm. Bên cạnh đó, người sử dụng thẻ cũng cần cân nhắc việc lựa chọn NH có các mức phí, lãi suất hấp dẫn nhất để giảm thiểu chi phí khi sử dụng thẻ.
Nguồn: laodong
0 nhận xét: