Các chuyên gia lý giải vì sao ngân hàng chậm trễ thoái vốn?

Có thể nói thoái vốn là quá trình khó khăn cho ngân hàng. Việc thoái vốn không kiểm soát được sẽ làm cho ngân hàng bị rút vốn không thể hoạt động được. Chính vì thế việc thoái vốn sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng khi đồng loạt các ngân hàng thoái vốn lẫn nhau. Và theo chuyên gia, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để thoái vốn vì chưa có lợi nhuận.
Các chuyên gia lý giải vì sao các ngân hàng chậm trễ thoái vốn?

Thông tư 36 được ban hành hồi tháng 11/2014 và có hiệu lực vào tháng 2/2015, trong đó quy định mỗi NHTM chỉ được nắm giữ cổ phần của tối đa không quá 2 TCTD khác và tỷ lệ nắm giữ phải dưới 5% vốn cổ phần ở mỗi TCTD.

Theo lộ trình, các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải xây dựng Phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Như vậy, chỉ còn vài tháng nữa là các ngân hàng sẽ hết hạn thoái vốn theo lộ trình một năm mà NHNN cho phép. Tuy nhiên, thay vì rốt ráo tìm đối tác chuyển nhượng số cổ phần đang nắm giữ thì một số ngân hàng lại xin Ngân hàng nhà nước cho phép được tiếp tục sở hữu theo tỷ lệ hiện tại.

Để bình luận thêm về việc tại sao đến thời điểm này, nhiều ngân hàng vẫn đang chậm trễ thoái vốn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Ông Hiếu cho rằng, thời điểm hiện tại các ngân hàng thoái vốn sẽ gặp bất lợi. Chính vì vậy, các ngân hàng đang muốn trì hoãn để chờ vào thời điểm khác tốt hơn.

Ông chỉ ra, thị trường chứng khoán thời gian qua có khá nhiều biến động. Mặc dù cổ phiếu ngân hàng được đánh giá khá tốt nhưng vẫn chịu tác động từ tình hình tài chính chung như tỷ giá và biến động từ thị trường thế giới.

Tuy nhiên theo ông, thoái vốn là việc làm cần thiết và cần làm nhanh. Chính vì vậy, NHNN nên nhất quán và kiên quyết hơn. Nếu tạo điều kiện cho một vài trường hợp trì hoãn sẽ tạo ra tiền đề không tốt, bởi như thế sẽ hiểu rằng quyết định đã ban hành nhưng vẫn có những ngoại lệ.

“Nếu các ngân hàng trước kia đã hưởng lợi từ việc sở hữu cổ phần tại các TCTD khác một cách đáng kể thì thời điểm này nên chấp nhận thiệt hại nào đó để thực hiện theo đúng quy định”, ông chia sẻ quan điểm.

Ông cho biết thêm, khi đến thời điểm hết hạn để các NHTM thực hiện thoái vốn thì NHNN cần có biện pháp xử lý để răn đe. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, NHNN có thể nhẹ tay trong việc xử lý, có thể là cảnh cáo nhưng việc rời lại quyết định là không nên.

Đồng quan điểm về việc các ngân hàng muốn thoái vốn tại thời điểm này là không hề dễ dàng, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặc dù đây vẫn chưa phải giai đoạn nước rút nhưng các ngân hàng vẫn phải hết sức nỗ lực và khẩn trương thực hiện.

Xét cả về nguyên nhân chủ quan và khách quan, ông chỉ ra 4 yếu tố cần xem xét xoay quanh đến việc thoái vốn.

“Nghị quyết 15 ban hành từ tháng 3/2014, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Vậy đối với hệ thống ngân hàng thì sao? ”, ông Lực nêu vấn đề. Vì thế, Chính phủ có cho phép ngân hàng thoái vốn và chấp nhận lỗ như doanh nghiệp hay không? Và nếu có thì cần có hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai là tùy thuộc một phần vào thị trường chứng khoán, thị trường phải tương đối tốt các ngân hàng mới thoái vốn để giảm thiểu số lỗ.

Thứ ba liên quan đến phương thức định giá số cổ phần ngân hàng muốn thoái vốn. Có ngân hàng sẽ được định giá theo giá cổ phiếu theo thị trường niêm yết còn những ngân hàng chưa niêm yết thì cần có phương thức định giá. Theo ông, NHNN sẽ quyết định giá cuối cùng đối với phần thoái vốn đó đặc biệt phần thoái vốn liên quan đến Nhà nước.

Và yếu tố cuối cùng, theo ông thoái vốn là cần thiết, các TCTD cần khẩn trương quyết liệt nhưng không phải là bằng mọi giá, dẫn đến thất thoát, thua lỗ. Bên cạnh đó, mỗi TCTD cần lập lộ trình phù hợp và một khi được chấp thuận thì phải kiên quyết thực hiện theo đúng cam kết đó.

0 nhận xét: